Sự nghiệp Dương_Hùng_(Tây_Hán)

Hình thức

Hùng có chủ trương lưu danh muôn đời nhờ văn chương, lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất (theo quan điểm chủ quan của ông) trong các lĩnh vực khác nhau của văn học, mô phỏng chúng mà sáng tác nên các tác phẩm của riêng mình: về kinh thì mô phỏng kinh Dịch làm ra kinh Thái huyền, về truyện thì mô phỏng Luận ngữ làm ra Pháp ngôn, về sử thiên thì mô phỏng Thương hiệt, làm ra Huấn toản (ngày nay không còn), về châm thì mô phỏng Ngu châm, làm ra Thập nhị châu châm. Hùng hâm mộ tài làm phú của đồng hương là Tư Mã Tương Như, nên mô phỏng cách hành văn của ông ta, [Hán thư 9] trong các bài phú của ông thì nổi tiếng nhất là 4 bài: Cam Tuyền, Hà Đông, Vũ liệpTrường Dương. [Hán thư 10]

Ngoài ra, Hùng tự làm bài tựa cho tác phẩm của mình (xem Dương Hùng tự tự). [Hán thư 11]

Nội dung

Trong thời gian tháp tùng Hán Thành đế, Hùng bộc lộ nhiệt tâm đối với chính trị, chủ đề nổi bật nhất trong giai đoạn này là phúng gián, cả bốn bài phú nổi tiếng nhất của Hùng đều nhằm can ngăn hoàng đế:

  • Tháng giêng ÂL năm 11 TCN [16], Hùng theo Thành đế tế giao ở Cam Tuyền, [Hán thư 12] tận mắt trông thấy vẻ xa hoa tráng lệ của cung điện được xây cất từ thời Hán Vũ đế, trở về dâng lên bài phú Cam Tuyền, uyển chuyển khuyên ngăn hoàng đế hạn chế lối sống phô trương. [Hán thư 13]
  • Tháng 3 ÂL cùng năm [28], Thành đế cúng Hậu Thổ, sau đó cùng quần thần đi thăm viếng các danh thắng, Hùng lại dâng lên bài phú Hà Đông, uyển chuyển khuyên nhủ hoàng đế làm những việc thiết thực hơn. [Hán thư 14]
  • Tháng 12 cùng năm [38], Thành đế tổ chức một cuộc săn lớn, Hùng đi theo đến cung Trường Dương, thấy dân chúng phục dịch vất vả, làm bài phú Trường Dương, uyển chuyển khuyên can. [Hán thư 15]
  • Thành đế muốn khoe khoang với sứ giả Hung Nô tham gia cuộc săn, nên bày ra quy mô quá lớn, kéo dài đến mùa thu năm sau, khiến dân chúng không thể thu hoạch, Hùng lại làm bài phú Vũ liệp, uyển chuyển khuyên ngăn. [Hán thư 16]

Đến thời Hán Ai đế, tình thế biến động, Hùng chỉ lên tiếng vài lần, như Thượng thư gián Ai đế vật hứa Hung Nô triều (Dâng thư can Ai đế đừng nhận lời cho Hung Nô vào chầu), Đối Ai đế tai dị thư (thư trả lời về những thiên tai thời Ai đế), hầu như đóng cửa lánh đời, chuyên tâm trước tác kinh Thái huyền, bị chỉ trích là cầu an giữ mình. Vì thế Hùng làm bài phú Giải trào để phản bác những lời ấy. [Hán thư 17] Hùng đã sớm bày tỏ quan điểm này: ông vốn hâm mộ văn tài của Khuất Nguyên, cho rằng ở trên cả Tư Mã Tương Như, nhưng không bằng lòng với hành vi tự vẫn của ông ta, cho rằng gặp thời thì thăng tiến, không gặp thời thì ẩn cư, sao lại phải trầm mình như vậy!? Vì thế Hùng làm bài phú Phản Ly tao để phản biện Ly tao, sau đó lại làm Quảng tao, rồi dựa những tác phẩm khác của Khuất Nguyên làm ra Bạn lao sầu, đều là để phản biện quan điểm của ông ta. [Hán thư 18] Ngoài Giải trào, Hùng còn có vài tác phẩm mang tính tự thuật như Trục bần phú, Tửu phú,...

Vì giữ mình, Hùng cũng phải làm những tác phẩm ủng hộ Vương Mãng, như Kịch Tần mỹ Tân (chê bai nhà Tần, ca ngợi nhà Tân), chuốc lấy sự chê bai của người đời; [Hán thư 19] theo chiếu lệnh của Mãng, ông làm Nguyên hậu lụy để viếng Hiếu Nguyên thái hậu Vương Chính Quân.[78]

Về cuối đời, Hùng cho rằng những bài phú phúng gián không đem lại kết quả như mong đợi, nhìn lại thì những lời hay ý đẹp ấy thật là phù phiếm, lại có phần trái với đạo của người quân tử, nên không làm nữa. [Hán thư 20] Hùng làm ra kinh Thái huyền, nhằm trình bày hệ thống triết học và lý luận vũ trụ hoàn toàn khác biệt với kinh Dịch. Thái huyền xuất phát từ quan niệm tam tài, dung 1 huyền phân làm 3, rồi làm 9 châu, 27 bộ, 81 gia, 729 tán, cấu thành hệ thống, mượn sự vận động và phát triển của những điều ấy để nói rõ mọi sự, mọi vật. Học thuyết về Huyền chẳng những biểu thị âm dương tiêu trưởng mà còn biểu thị ngũ hành sinh khắc. Do ý nghĩa của bộ sách này quá thâm áo, Hùng phải tự làm chú thích (ngày nay không còn), riêng làm bài văn Giải nan để lý giải. [Hán thư 21]

Hùng phản đối các học thuyết chê bai đạo Nho (như Lão, Trang đều mượn Khổng tử làm ví dụ), làm ra Pháp ngôn, nhằm uốn nắn học thuật đương thời, khẳng định vị thế độc tôn của Nho học. [Hán thư 22]

Ngoài ra Hùng được cho là tác giả của Du hiên sứ giả tuyệt đại ngữ thích biệt quốc phương ngôn (tạm dịch: phương ngôn của các nước, được giải thích từ thời xa xưa, bởi các sứ giả đi cỗ xe nhẹ), thường gọi tắt là Phương ngôn.[95]